Hoạt động của hải quân trong chiến dịch Mặt_trận_Baltic_(1941)

Trận phòng ngự Tallinn

Quân đội Liên Xô đào hào phòng thủ quanh Tallinn

Tallinn là hải cảng quan trọng thứ hai của Hải quân Liên Xô tại vùng biển Baltic sau Leningad. Cùng với căn cứ hải quân Hanko mà Liên Xô thuê của Phần Lan tại ven bờ Bắc Vịnh Phần Lan, hai căn cứ này tạo thành cửa ngõ ra vào biển Baltic của Hạm đội Baltic (Liên Xô) có căn cứ - sở chỉ huy hạm đội tại Leningrad. Do vị trí trọng yếu khống chế cửa ngõ đường biển ra vào Vịnh Phần Lan đồng thời cũng là của ngõ bảo vệ Leningrad từ hướng biển, ngày 30 tháng 7 năm 1941, Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô I. V. Stalin hạ lệnh cho Phương diện quân Bắc và Hạm đội Baltic:

Bằng mọi cách phải bảo vệ Tallinn
— I. V. Stalin.[62]

Cuối tháng 7 năm 1941, việc Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) thọc sâu về hướng Leningrad và sự kiện Pskov thất thủ đã đặt Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) vào tình trạng nguy hiểm. Phương diện quân Tây Bắc bị giải thể do mất đất và mất đến 2/3 quân số. Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) nhập vào đội hình Phương diện quân Bắc. Vì bị sông Narva và hồ Chudskoye chia cắt, Quân đội Liên Xô tại khu vực này chỉ còn liên lạc được với Phương diện quân Bắc chủ yếu bằng đường biển và một eo đất hẹp lầy lội ở cửa sông Narva. Lực lượng phòng thủ trên bộ do trung tướng M. M. Popov chỉ huy chỉ còn lại Quân đoàn bộ binh 10 của thiếu tướng I. F. Nikolayev với 2 sư đoàn bộ binh 10 và 11; Sư đoàn cơ giới 22 NKVD rút từ Riga về; Bộ tư lệnh biên phòng Estonia do thiếu tướng G. S. Zshikhin gồm Trung đoàn 7 và Trung đoàn; căn cứ hải quân Tallinn do Hạm trưởng hạm đội bậc 2 M. I. Moskalenko chỉ huy. Ngoài ra còn có các tiểu đoàn cộng sản Tallinn 1 và 4, Tiểu đoàn dân quân tình nguyện Tallinn 4 và 7, các đại đội tình nguyện Harju, Koolga, Parnu và Vilijady.[63] Lực lượng tàu biển của Hạm đội Baltic ở Tallinn còn khá lớn gồm tuần dương hạm "Kirov", các thiết giáp hạm "Minsk" và "Leningrad", các khu trục hạm "Moskva" và "Argun", các pháo hạm hộ tống "Grozyash", "Kalinin", "Volodava", "Archyom", "Silnyi", "Serdyuk", "Smetliv", "Svirep" và "Engels". Hạm đội Baltic còn có 8 khẩu đội pháo bờ biển, trong đó có một khẩu đội pháo hạng nặng đặt trên đường ray, 2 đoàn hỏa tàu bọc thép được trang bị pháo 37 mm và 76 mm. Không quân của Hạm đội Baltic đóng tại Tallinn gồm các trung đoàn 13 và 71 có 85 máy bay còn hoạt động được. Lực lượng phòng không Liên Xô ở Tallinn có Sư đoàn phòng không 10 và Trung đoàn phòng không độc lập 5 được trang bị 183 pháo phòng không và 62 súng máy các loại.[64]

Không quân Đức Quốc xã ném bom Tallinn, tháng 8 năm 1941

Cuối tháng 7 năm 1941, Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) đã hình thành một tuyến phòng thủ bảo vệ Tallinn từ Parnu qua Tartu đến hồ Chudskoye. Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ quá mỏng đã không thể giữ được tuyến phòng thủ liên tục, đặc biệt trên hướng Tartu. Ngày 2 tháng 8 năm 1941, Sư đoàn cơ giới 36 tấn công lên Luga, Sư đoàn bộ binh và 254 (Đức) đã chọc thủng phòng tuyến của các sư đoàn bộ binh 48 và 125 (Liên Xô) ở phía Đông hồ Chudskoye, đánh chiếm Tartu và thẳng tiến theo hướng Rakvere ra biển Baltic. Ngày 4 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 254 (Đức) tiến ra cửa sông Narva, chia cắt Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) tại khu vực Tallinn với chủ lực Phương diện quân Bắc (Liên Xô) đang phòng thủ trên hướng Narva - Luga. Ngày 5 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 291 và các cụm tác chiến "Fridrich" (Đức) gồm các sư đoàn bộ binh 58 và 207 đã đột phá vượt sông Pärnu, đánh chiếm Pärnu, Kergu, TüriPaide, đẩy Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) lùi về hướng Tallinn từ 10 đến 20 km. Cụm quân Liên Xô tại Tallinn bị bao vây và chỉ còn đường ra biển Baltic.[65]

nhỏ|phải|200px|Lược đồ trận phòng thủ Tallinn (từ 5 đến 28-8-1941)

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 8, công binh Liên Xô và người dân Tallinn cấp tốc đào các tuyến hào chống tăng, dựng các chướng ngại vật chống tăng trên các đường giao thông, bãi trống và bố trí các bãi mìn phòng thủ quanh khu vực bán kính 60 đến 80 km quanh Tallinn, các trận địa pháo chống tăng được bố trí trên 4 tuyến đường sắt và đường bộ nối Tallinn với Narva, Tartu, PärnuHaapsalu. Hàng trăm km chiến hào được dọc theo các lớp phòng thủ. Các con sông nhỏ Ternugs, Kejla, Jagala và Valge chảy qua phía Nam và phía Đông Tallinn cũng được lợi dụng để xây dựng các tuyến phòng thủ.[66] Từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 61, 217, 254 và 291 (Đức) phát động các trận tấn công ở phía Đông và Đông Nam Tallinn, đẩy Quân đoàn bộ binh 10 (Liên Xô) lùi sâu thêm 20 km. Sư đoàn bộ binh 254 (Đức) từ hướng Narva đã đột phá qua cửa sông Valge tiến dọc bờ biển về Tallinn. Chỉ có các trận pháo kích ác liệt từ các tàu tuần dương và tàu khu trục của hạm đội Baltic mới ngăn cản được cuộc đột kích này. Tuy nhiên, tình hình Tallinn vẫn rất nghiêm trọng, thành phố và hải cảng Tallinn liên tục hứng chịu các cuộc ném bom của không quân Đức.[63]

Ngày 17 tháng 8, Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) điều Quân đoàn bộ binh 42 do tướng Walter Kuntze chỉ huy lấy từ thê đội 2 của Tập đoàn quân 16 đến tăng cường cho mặt trận Tallinn. Ngày 20 tháng 8, quân Đức bắt đầu cuộc tổng tấn công vào Tallinn từ ba hướng. Hướng Đông Sư đoàn bộ binh 61 và 254, hướng Đông Nam có các sư đoàn 217 và 291, phía Nam có các sư đoàn bộ binh 58 và 207. Ngày 21 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 217 (Đức) chiếm Rapla. Ngày 22 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 254 (Đức) chiếm các thành phố KallavereMaardu, Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) chiếm thị trấn Raasiku. Trung đoàn bộ binh 162 (Sư đoàn 178) và Trung đoàn tình nguyện Latvia 1 đã giữ được tuyến phòng thủ tại Kiviloo và Perila trong ba ngày trước khi phải rút về LihulaMärjamaa trước sức ép của Cụm tác chiến Friedrich (Đức). Ngày 23 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 217 (Đức) chiếm được tuyến Hageri - Kohila - Tuhala cách trung tâm Tallinn chưa đầy 25 km. Tướng I. F. Nikolayev tập hợp các trung đoàn bộ binh còn lại thành lập ba cụm tác chiến: Cụm phía Đông giữ Kehra, Cụm phía Nam trấn giữ phía Bắc Kohila, Cụm phía Tây giữ Keila. Ngày 24 tháng 8, Bộ tư lệnh Phương diện quân Bắc và Hạm đội Baltic phát lệnh di tản khỏi Tallinn. Ngày 25 tháng 8, quân Đức tiến đến các tuyến sông Keila, sông Pirita, Saku và Lehmja. Ngày 26 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) chiếm sân bay Mojgun và đột phá đến biển Baltic, chia cắt cụm quân Liên Xô tại Tallinn làm hai phần. Phần lớn cụm quân phòng thủ phía Nam và phía Đông tập trung tại nội đô Tallinn. Cụm phòng thủ phía Tây bị cô lập tại bán đảo Paldiski. Ngày 27 tháng 8, các đơn vị còn lại của quân đội Liên Xô cố gắng giữ cảng Tallinn để di tản thường dân và các tàu của Hạm đội Baltic còn mắc kẹt lại. Ngày 28 tháng 8, Quân Đức đột nhập vào thành phố, lần lượt dập tắt các ổ đề kháng. Theo báo cáo của tướng Walter Kuntze, quân Đức bắt 11.432 tù binh Liên Xô, thu giữ 149 pháo mặt đất và 144 pháo phòng không; ước tính khoảng 8.000 sĩ quan và binh sĩ Liên Xô tử trận, 14.000 bị thương, số còn lại được di tản về Leningrad. Từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 8, quân Đức mất 871 người chết và 3.282 người bị thương.[67]

Liên Xô rút khỏi Tallinn

Cảng Tallinn sau khi bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng

Phó đô đốc V. F. Tributs và Hội đồng quân sự Hạm đội Baltic đã có kế hoạch di tản khỏi Tallinn từ cuối tháng 7, khi Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) bị bao vây ở khu vực Pärnu - Tartu - Tallinn nhưng Tổng tư lệnh hướng Tây Bắc, nguyên soái K. Ye. Voroshilov và Bộ trưởng dân ủy hải quân Liên Xô, đô đốc N. G. Kuznetsov chống lại kế hoạch này. Chỉ đến khi tình hình Tallinn không còn khả năng cứu vãn, mãi đến ngày 22 tháng 8, kế hoạch sơ tán Hạm đội Baltic khỏi Tallinn mới được Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phê chuẩn. Đó là một quyết định quá muộn màng. Ngày 26 tháng 8 năm 1941, các sư đoàn bộ binh 61, 217, 254, 291 và Cụm tác chiến "Friedrich" (Đức) đã áp sát Tallinn từ ba phía. Các pháo hạm Đức bắt đầu bắn phá quân cảng và thành phố Tallinn. STAVKA hạ lệnh cho Phó đô đốc V. F. Tributs phải cấp tốc sơ tán chủ lực hạm đội Baltic và căn cứ chính của hạm đội này khỏi Tallinn về Kronstadt và Leningrad.[68]

Ngay từ khi quân đội Đức Quốc xã bắt đầu bao vây Tallinn, Adolf Hitler đã ra mệnh lệnh số 33 yêu cầu lục quân và hải quân Đức Quốc xã không được để một chiếc tàu nổi nào của Hạm đội Baltic thoát khỏi Tallinn. Thực hiện lệnh này, các lữ đoàn 777, 796 công binh hải quân Đức và Lữ đoàn 1261 công binh hải quân Phần Lan đã thiết lập 4 bãi thủy lôi ở vùng biển phía Tây Bắc Tallinn và 8 bãi thủy lôi trên khu vực giữa Vịnh Phần Lan, sát quần đảo Suursaari (Gogland). Các tàu chiến Đức cũng hình thành vòng tuần tra kiểm soát phía Tây Bắc Tallinn, chia cắt Tallinn với căn cứ hải quân Hanko trên đất Phần Lan. Hàng chục khẩu đội pháo bờ biển tầm xa cỡ lớn từ 180 mm đến 308 mm của hải quân Đức và hải quân Phần Lan được triển khai dọc bờ biển từ Ekenäs, phía Đông Hanko qua Helsinki đến Kotka, khống chế một vùng biển rộng lớn có tầm xa cách bờ đến hơn 40 km.[45]

Bố trí binh lực Hạm đội Baltic tại cuộc chuyển quân

Đế ngày 26 tháng 8, tại Tallinn vẫn còn một số lượng rất lớn các tàu nổi và tàu ngầm Liên Xô bị kẹt lại tại cảng và vịnh Tallinn. Tại tuyến phòng thủ vịnh Tallinn do chuẩn đô đốc V. P. Drozda chỉ huy có các tàu:[68]

  • Tuần dương hạm "Kirov", soái hạm của Hạm đội Baltic.
  • Khu trục hạm "Leningrad", kỳ hạm của Phân hạm đội Tallinn.
  • Các khu trục hạm "Smetliv", "Gordky" và "Yakov Sverrdlov".
  • Các tàu ngầm S-4, S-5, "Kalev", "Lembit" và SS-405.
  • Các tàu săn ngầm MO-112 MO-131, MO-133 và MO-142.
  • Các tàu tuần duyên PK-202, PK-204 và PK-233
  • Các tàu phóng lôi TKA-37, TKA-73, TKA-74, TKA-84, TKA-103, TKA-113 và TKA-144.
  • Các tàu quét mìn Т-207 "Spil", Т-204 "Fugas", Т-205 "Gafel", Т-206 "Verp" và Т-217
  • Tàu phá băng "Suur Tyll".

Trên tuyến phòng thủ vòng ngoài phía Tây vịnh Tallinn do chuẩn đô đốc Yu. A. Panteleyev, tham mưu trưởng hạm đội chỉ huy có các tàu:[68]

  • Khu trục hạm "Minsk", kỳ hạm của Phân hạm đội Riga.
  • Các khu trục hạm "Skoryi" và "Slavnyi".
  • Các tàu ngầm SS-322, M-95, M-98 và M-102.
  • Các tàu tuần duyên PK-207, PK-212, PK-213 và tàu săn ngầm MO-510.
  • Các tàu vớt mìn T-210 "Gak", T-211 "Rym", T-215, T-218 và T-203 "Patron".
  • Các tàu phóng lôi TKA-33, TKA-53, TKA-91, TKA-101.
  • Tàu trinh sát thám không "Pikker" và tàu cứu hộ "Neptun"

Lực lượng bảo vệ phía sau giữ tuyến đường biển Tallinn - Kronstadt do chuẩn đô đốc Yu. F. Rall chỉ huy có:[68]

  • Các tàu khu trục "Kalinin", "Volodarskyi" và "Archyom"
  • Các tàu hộ tống "Sneg", "Burya" và "Tsiklon".
  • Các tàu săn ngầm MO-5, MO-135, MO-197 và MO-204.
  • Các tàu tuần tra PK-210, PK-211 và PK-232.
  • Các tàu phóng lôi TKA-51 và TKA-61.

Phó đô đốc V. F. Tributs, tư lệnh hạm đội Baltic bố trí các tàu vận tải thành 4 đoàn lớn để di chuyển về Kronstadt:[69]

  • Đoàn 1 do Hạm trưởng bậc 2 Bogdanov chỉ huy được hộ tống bởi các khu trục hạm "Svirep" và Surov"; các tàu hộ tống "Ametist" và "Kasatka"; Tàu săn ngầm MO-507; tàu tuần duyên PK-208, 6 xuồng cao tốc và 7 tàu đánh cá có vũ trang. Đoàn gồm 8 tàu vận tải, 1 tàu phá băng, 1 tàu hậu cần, 1 tàu bệnh viện, 1 ụ nổi và 3 tàu ngầm SS-307, SS-308, M-79 đang sửa chữa.
  • Đoàn 2 do hạm trưởng bậc 2 Antonov chỉ huy được hộ tống bởi pháo hạm "Moskva", tàu săn ngầm MO-200, tàu tuần duyên PK-214, 6 tàu quét mìn (chuyển đổi từ tàu dân sự) và 8 tàu đánh cá có vũ trang; gồm 2 tàu vận tải, 1 tàu phá băng kéo theo 1 tàu đánh cá bị hỏng máy, 1 tàu khảo sát biển và 3 tàu vớt mìn đang sửa chữa.
  • Đoàn 3 do hạm trưởng bậc 2 Yason chỉ huy được hộ tống bởi pháo hạm Amgun, 2 tàu săn ngầm MO-501 và MO-502, 4 tàu quét mìn (chuyển đổi từ tàu dân sự) và 7 tàu đánh cá có vũ trang; gồm 9 tàu vận tải, 1 tàu chỏ dầu và 1 tàu cứu hộ.
  • Đoàn 4 do hạm trưởng bậc 1 Glukhovtsev chỉ huy được hộ tống bởi pháo hạm I-8, 3 tàu tuần duyên, 3 tàu quét mìn và 4 tàu đánh cá có vũ trang; gồm 1 tàu cứu hộ, 1 sà lan biển tự hành, 2 tàu kéo, tàu phóng lôi TKA-121 bị hỏng máy và tàu ngầm SS-301 đang sửa chữa.
  • Các nhóm tàu đi lẻ không thành đoàn gồm pháo hạm "Topaz", hộ tống hạm hạng nhẹ "Khijusaar" 3 tàu tuần duyên, 2 tàu quét mìn, 10 tàu đánh cá có vũ trang, yểm hộ cho 1 tàu vận tải, 1 tàu phá băng, 1 thông báo hạm, 2 tàu cứu hộ, 2 tàu cao tốc, 1 tàu khảo sát, 1 tàu pha sông biển, 11 tàu kéo, 9 thuyền đa năng, 4 thuyền máy và 2 sà lan.

Trong cuộc di tản lớn này, Hạm đội Baltic đã chuyên chở 41.992 người, bao gồm 19.903 sĩ quan và binh sĩ (trong đó có 8.670 người của Quân đoàn bộ binh 10), 613 nhân viên dân sự của hạm đội và 12.806 thường dân.[70]

Cuộc di tản

Tuần dương hạm "Kirov" xả khói ngụy trang trên đường di chuyển, tháng 8 năm 1941

Trong khi cuộc chuyển quân chuẩn bị bắt đầu thì một tai họa bất ngờ ập đến cho Hạm đội Baltic. Lúc 22 giờ 10 phút đêm 27 tháng 8, các khu trục hạm "Kalinin" và "Volodarskyi" trong đội hình bảo vệ phía sau bị va phải thủy lôi và bị hư hỏng nặng, mất sức chiến đấu. 23 giờ 15 phút, đến lượt khu trục hạm "Archyom" cũng va phải thủy lôi và chìm. Do phải thu dọn lưới và ngư cụ, đến 22 giờ đêm 27 tháng 8, các tàu đánh cá từ ngoài khơi các đảo Naysaar và Aegna mới có mặt tại cảng Tallinn để chất hàng. 23 giờ đêm, các kho vũ khí gồm các loại súng hỏng và đạn dược không thể đem theo được công binh của Hạm đội Baltic cho hủy đốt và hủy nổ. 11 giờ 35 phút, Phó đô đốc V. F. Tributs hạ lệnh cho Đoàn 1 nhổ neo xuất phát. Do các tàu đánh cá có công suất yếu và các tàu vận tải chở nặng chỉ di chuyển với tốc độ 6 hải lý giờ nên các tàu chiến hộ tống di chuyển với tốc độ 10 đến 12 hải lý/giờ thì cứ 15 hải lý phải dừng lại để chờ cả đoàn theo kịp. 14 giờ cùng ngày, khi Đoàn 1 ra khỏi vịnh Tallinn và bắt đàu hành trình về phía Đông thì Đoàn 2 bắt đầu nhổ neo, di chuyển song song với Đoàn 1 và cách đoàn này khoảng 17 hải lý về phía Bắc.[62]

Phát hiện Hạm đội Baltic chuyển quân khỏi Tallinn, hải quân Đức cho các tàu ngầm xông vào đội hình tàu Liên Xô và tấn công các tàu vận tải nặng bị rớt lại sau. 18 giờ 30 phút ngày 28 tháng 8, tàu vận tải "Alev" chở theo 1.280 người trong đó có hơn 800 người bị thương bị trúng thủy lôi và chìm. Chỉ có sáu người được vớt lên. Không quân Đức ném bom và đánh chìm 4 tàu vận tải khác. Tàu phá băng "Krisjanis Valdemars" trong khi cơ động tránh bom đã va phải thủy lôi gần đảo Mokhny và chìm. Lúc 19 giờ 50 phút, các tàu ngầm Đức tấn công đánh chìm 2 tàu tuần tra và tàu cứu hộ "Saturn" gần mũi Yuminda. Khoảng 20 giờ, các tàu quét mìn "Krap" và "Baromest" cùng tàu ngầm S-5 đã chìm trong khi làm nhiệm vụ quét mìn, mở đường cho Đoàn 1 tiến về Kronstadt. Khoảng 21 giờ, 4 trong số 5 tàu săn ngầm của hạm đội đã bỏ nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài và gia nhập vào đoàn vận tải 1. Hành động vô kỷ luật này đã gây tác hại nghiêm trọng. Trong đêm 28 tháng 8, các tàu ngầm Đức lao vào tấn công cả hai đoàn tàu vận tải của Hạm đội Baltic. Lần lượt các tàu khu trục "Smetliv", "Gordky" và "Yakov Sverrdlov" bị tấn công. Tàu "Yakov Sverrdlov" bị trúng ngư lôi, bị vỡ đôi và chìm tại tọa độ 59°42 phút Bắc, 25°45 phút Đông gần đảo Mokhny. Trong số những người bị thiệt mạng có Chủ tịch Hội đồng dân ủy Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Estonia Johannes Lauristin. Các tàu khu trục "Gordy", "Minsk", "Skora" và "Slavna" cũng bị tấn công và hư hại nặng. Không bị ngăn cản, các tàu ngầm Đức xông vào giữa đoàn vận tải, bắn chìm tàu vận tải Ella và đánh hỏng nặng các tàu hộ tống hạng nhẹ "Sneg", "Tsiklon". Chỉ trong đêm 28 rạng ngày 29 tháng 8, Hạm đội Baltic (Liên Xô) đã mất 26 tàu bị chìm, gồm 5 tàu khu trục, 3 tàu vận tải, 2 tàu kéo, 1 tàu phá băng, 2 tàu quét mìn, 2 tàu ngầm, 1 tàu pháo, 2 tàu tuần duyên, 1 tàu bệnh viện, 1 tàu cứu hộ, 3 tàu đánh cá và 1 sà lan. 5 chiếc khác bị hư hại gồm 3 kỳ hạm và 2 tàu vận tải, 2 tàu đánh cá có vũ trang bị hải quân Phần Lan bắt cóc, 1 sà lan bị mất tích. Tổn thất nhân mạng lên đến 3.620 người.[71]

Ngày 29 tháng 8, các đoàn tàu số 3 và số 4 tiếp tục rời Tallinn di chuyển về Kronstadt. Yếu tố bất ngờ của Hạm đội Baltic (Liên Xô) đã bị mất và ngày 29 tháng 8 là ngày đẫm máu nhất trên biển Baltic kẻ từ đầu cuộc chiến. Tàu khu trục "Surov" phải đi kèm các tàu "Slavna", "Svirev" và tàu chở hàng "Gordog" đã bị không quân Đức đánh hư hại từ hôm trước. Khi đoàn 1 và đoàn 2 còn cách Kronstadt 27 hải lý, không quân Đức bất ngờ huy động hơn 1.200 lần chiếc máy bay liên tục dội bom xuống đội hình hai đoàn tàu Liên Xô. Ngay khi vừa ra khỏi khu vực bãi mìn 9-40, tàu tuần tiễu "Sneg" cùng với tàu vận tải "Balkhash", tàu cứu hộ "Kolyvanov", tàu trinh sát thám không "Sao Mộc" và tàu kéo "Vilma" bị máy bay Đức đánh đắm. Không quân Đức hầu như làm chủ vùng trời trên biển Baltic và lần lượt đánh đắm các tàu Liên Xô được trang bị hỏa lực phòng không kém cỏi. Tàu vận tải "Ausma" bị đánh chìm tại tọa độ 13-15 tại đảo Rodsher, gần cảng Paldiski. Tàu vận tải "Tobol" bị chìm tại tọa độ 15-10. Tàu vận tải "Kalpaks" bị hơn 40 máy bay Đức tấn công và đánh đắm tại tọa độ 16-15, làm chết hơn 1.100 người. Chỉ trong 3 giờ đầu tiên của buổi sáng 29 tháng 8, 4 tàu vận tải, 1 tàu kéo và 1 tàu chở dầu Liên Xô đã bị không quân Đức nhấn chìm. 5 tàu vận tải khác phải ủi bãi đổ bộ lên đảo Suursaari (Gogland) để cứu người. Trong suốt ngày 29 tháng 8, đã có 24 tàu và 16 thuyến đánh cá phải ủi bãi quanh đảo Suursaari. Chiều 29 tháng 8, tuần dương hạm "Kirov" bị 32 máy bay Đức vây đánh, các pháo thủ phòng không trên tàu đã bắn rơi 3 máy bay Đức. "Kirov" bị trúng hơn 80 quả bom đường kính nhỏ nhưng nhờ có vỏ thép nên chỉ bị hư hỏng, 2 trong số 3 động cơ không hoạt động được. 12 thủy thủ thiệt mạng, 3 người khác bị thương. Ngày 30 tháng 8, "Kirov" được các tàu kéo từ Leningrad ra lai dắt về neo đậu tại Kronstadt và trở thành trận địa phòng không nổi bên cạnh pháo đài. Cùng về được Kronstadt với chiếc "Kirov" còn có các tàu khu trục-kỳ hạm "Leningrad" và "Minsk", các tàu khi trục "Burya" và "Ametist", các pháo hạm "Moskva" và "Amgun", tàu phá băng "Suur Tõll" cùng hơn 100 tàu nổi khác.[72][73]

Hậu quả

Không kể số tàu phải ủi bãi lên các đảo Sursaary và Suursaari, hơn 100 tàu thuyền các loại của Hạm đội Baltic đã vĩnh viễn chìm xuống lòng biển. Trong số hơn 28.900 người được di tản khỏi Tallinn (không kể quân số của hải quân trên các hạm tàu) thì có 11.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 3.000 dân thường. Thiệt hại vật chất của Hạm đội Baltic (Liên Xô) là rất lớn. Khi xuất phát khỏi Tallinn, Hạm đội Baltic huy động 153 tàu chiến và 75 tàu vận tải, tàu dân sự. Khi về đến đích số thiệt hại lớn nhất thuộc về các tàu vận tải. 43/75 tàu vận tải bị đắm hoặc phải ủi bãi (57%), 5/10 tàu khu trục bị đánh đắm (50%), 3/9 tàu tuần tra bị chìm (34%), 2/11 tàu ngầm chìm hoặc mất tích (18%), 1/3 pháo hạm bị đánh đắm (34%), 2/18 tàu quét mìn tốc độ thấp bị chìm (11%), 1/13 tàu phóng ngư lôi (7%), 2/25 tàu săn ngầm (8%). Số tàu không bị chìm và về được đến Kronstadt hoặc Leningrad mặc dù bị trọng thường ở các mức độ khác nhau gồm: 1 tàu tuần dương-soái hạm (100%), 2 khu trục hạm-kỳ hạm (100%), 10 tàu quét mìn ven bờ (100%), 26 tàu quét mìn ngoài khơi (100%) và các tàu còn lại.[71]

Trận phòng ngự bán đảo Hanko

Bản đồ bán đảo Hanko và giới hạn kiểm soát của hải quân Liên Xô theo hiệp ước hòa bình Moskva - 1940 giữa Liên Xô và Phần Lan

Theo hiệp định hòa bình Moskva được ký kết ngày 12 tháng 3 năm 1940 giữa chính phủ Liên Xô và chính phủ Phần Lan, đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan, phía Liên Xô được thuê bán đảo Hanko của Phần Lan trong vòng 30 năm để xây dựng ở đây một căn cứ hải quân.[74] Căn cứ Hanko cùng với quân cảng Tallinn và các căn cứ trên quần đảo Moonsund tạo thành cánh cửa ra vào vịnh Phần Lan và là hàng rào che chắn từ xa cho Leningrad. Hanko cũng là một căn cứ hậu cần cho Hạm đội Baltic của Liên Xô. Đến ngày 22 tháng 6 năm 1941, các kho tàng của căn cứ này dự trữ 86 tấn dầu nhiên liệu, 332 tấn xăng, 159 tấn nước ngọt, 7.821 tấn than đá, 193 mét khối củi.[75] Quân đội Liên Xô bố trí tại đây Lữ đoàn bộ binh 8 do thiếu tướng S. I. Kabanov chỉ huy, được tăng cường một trung đoàn pháo mặt đất, một tiểu đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn xe tăng hạng nhẹ, một tiểu đoàn công binh và một tiểu đoàn thông tin. Lực lượng trên bộ của Hạm đội Baltic gồm một tiểu đoàn hải quân đánh bộ, các đơn vị kỹ thuật của căn cứ và các phân đội pháo bờ biển do Hạm trưởng bậc 2 P. G. Maksimov chỉ huy.[76] Tại quân cảng Hanko có 6 tàu phóng ngư lôi, một phi đội thủy phi cơ MBR-2. Tại sân bay Hanko có Trung đoàn không quân hỗn hợp 13 nhưng ngay trong ngày đầu cuộc chiến, trung đoàn này đã được điều về sân bay Laksberg để bảo vệ Tallinn. Tại Hanko chỉ còn lại một tiểu đoàn không quân gồm 11 máy bay I-5 và 6 máy bay I-15 do đại úy L. G. Belousov chỉ huy. Tổng số quân Liên Xô tham gia phòng thủ căn cứ Hanko gồm 25.300 người.[77]

Quân đội Đức Quốc xã phối hợp với quân đội Phần Lan tổ chức tấn công căn cứ Hanko từ hai hướng. Hướng đất liền Sư đoàn bộ binh 17 Phần Lan tổ chức tấn công dọc theo đường sắt từ Karis qua Ekenäs xuống dưới sự yểm hộ của 103 khẩu pháo từ 45 mm đến 305 mm. Hướng biển do các pháo hạm hộ tống của Hải quân Đức phối hợp với các tàu khu trục "Vyaynemyaynen" và "Ilmarinen" được trang bị pháo 254 mm phụ trách. Vấn đề đối với liên quân Đức - Phần Lan là họ phải vượt qua được bãi mìn dày đặc bố trí trên chính diện 22 km phía Tây Nam ga Ekenäs và hàng thủy lôi bố trí thành một vòng tròn có bán kính từ 10 đến 15 km bao quanh bán đảo.[78] Ngày 25 tháng 6, chính phủ Phần Lan tuyên bố hiệp định hòa bình Moskva ký ngày 12 tháng 3 năm 1940 vô hiệu và yêu cầu quân đội Liên Xô rút khỏi cảng Hanko. Cùng ngày, lục quân Phần Lan bắt đầu nổ súng tấn công trên eo đất Karelia.[77]

Ngày 22 tháng 6, cùng với các hải cảng khác của Liên Xô trong vùng Baltic, Hanko bị ném bom. Tướng S. I. Kabanov ra lệnh sơ tán tất cả các gia đình sĩ quan và binh sĩ Liên Xô từ Hanko về Leningrad bằng đường biển. Từ ngày 26 tháng 6, pháo binh Phần Lan và các pháo hạm của hạm đội liên hợp Đức-Phần Lan bắt đầu pháo kích vào quân cảng, các trận địa pháo, sân bay và kho tàng trong căn cứ Hanko với số lượng từ 2.000 đến 4.000 quả mỗi ngày. Đặc biệt trong ngày 27 tháng 6, số lượng đạn pháo bắn vào Hanko lên đến 6.000 quả.[79] Ngày 26 tháng 6, Sư đoàn bộ binh 17 (Phần Lan) bắt đầu tiến công từ hướng Ekenäs vào Hanko. Tuy nhiên, đây là con đường độc đạo trên bộ duy nhất vào Hanko nên quân Phần Lan không thể triển khai một đội hình tấn công đầy đủ. Cuộc tấn công đã bị Lữ đoàn bộ binh 8 (Liên Xô) chặn lại cách Hanko 15 km về phía Đông Bắc tại khu vực đồi Horsene. Ngày 27 tháng 6, tướng S. I. Kabanov từ Tallinn bay sang Hanko để chỉ huy căn cứ này. Đại tá P. P. Simoniak được giao quyền tham mưu trưởng căn cứ. Ngày 28 tháng 6, trinh sát Liên Xô phát hiện một cụm pháo phòng không của quân Phần Lan mới được triển khai tại khu vực Västervik trên bán đảo Podvaland. Tướng S. I. Kabanov phán đoán rằng quân Phần Lan sẽ đổ thêm quân đến đây để đánh đột kích vào căn cứ. Chiều 28 tháng 6, một tiểu đoàn bộ binh Liên Xô đã được triển khai tại khu vực đồi Horsene. Công binh Liên Xô thiết lập thêm các bãi mìn (tổng cộng 367 quả) tại khu vực dự kiến sẽ bị tấn công tại eo đất Lappvika. Tuy nhiên, tướng S. I. Kabanov nhận ra phán đoán của mình là sai lầm nhưng không kịp trở tay. Quân Phần Lan chỉ làm như chuẩn bị đổ bộ lên khu vực Horsene nhưng lại chuẩn bi một cuộc đổ bộ khác của lính biệt kích tại đảo Meden, phía Bắc bán đảo Hanko.[78] Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 6, lính biệt kích Phần Lan mặc quân phục Liên Xô đổ bộ lên đảo Meden và lội qua con lạch nhỏ ngăn cách đảo này với bán đảo Hanko và đột kích vào khu hậu cần của căn cứ tại Sorgas. Và chỉ nhờ có hỏa lực mạnh mẽ của Tiểu đoàn pháo binh 30 (Liên Xô), Tiểu đoàn biệt kích Phần Lan mới bị đẩy lùi khỏi bán đảo.[80]

Bộ binh Phần Lan tấn công trên bán đảo Hanko (1941)

Lợi thế bất ngờ tấn công trên hướng eo đất Lappvika và đảo Meden bị mất, quân Phần Lan tính toán mở một cuộc tấn công đổ bộ mới. Đêm 1 tháng 7 năm 1941, một tiểu đoàn biệt kích tình nguyện người Phần Lan gốc Thụy Điển đã bất ngờ đổ bộ lên vị trí của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn bộ binh 335 (Liên Xô), giết nhiều binh sĩ Liên Xô và thọc sâu vào tuyến phòng thủ ở phía Bắc bán đảo Hanko. Cùng thời điểm đó, một tiểu đoàn biệt kích Phần Lan tấn công vào vị trí phòng thủ của Tiểu đoàn bộ binh 3, Trung đoàn 335 trên đảo Krokan. Tảng sáng ngày 2 tháng 7, Tiểu đoàn bộ binh 2 của Trung đoàn 335 chi viện cho Tiểu đoàn 4 đánh lúi quân biệt kích Phần Lan gốc Thụy Điển xuống biển, Tiểu đoàn bộ binh 1 cũng phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 3 đánh tan tiểu đoàn biệt kích Phần Lan, bắt một số tù binh. Các tù binh Phần Lan khai rằng họ thuộc Cụm quân đặc nhiệm Gangut, có nhiệm vụ đánh chiếm các đầu cầu để mở đường cho thủy quân lục chiến Đức đổ bộ lên bán đảo.[77]

Từ ngày 3 tháng 7 đến cuối tháng 7, hai bên giữ thế cầm cự trên khu vực eo đất Lappvika. Một cuộc chiến bắn tỉa đã diễn ra và kéo dài đến cuối tháng. Ngày 22 tháng 7, quân Phần Lan điều động đội bắn tỉa "Chim cu" đã tham gia Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan năm 1940 ở eo đất Karelia đến bán đảo. Trong ngày đầu tiên, họ đã hạ 23 quân nhân Liên Xô, trong đó có 1 xạ thủ súng máy. Để đối phó với lính bắn tỉa Phần Lan, ngày 25 tháng 7, một tiểu đội bắn tỉa Liên Xô được điều từ pháo đài Kronstadt đến Hanko, trong đó có xạ thủ Georgy Isakov nổi tiếng. Trong suốt chiến dịch phòng thủ Hanko, xạ thủ này đã hạ 118 lính Phần Lan và lính Đức. Trong cả tháng 7 năm 1941, sân bay Hanko trở thành căn cứ trung gian để tiếp nhiên liệu và bom đạn cho các máy bay ném bom ban đêm của Liên Xô từ Leningrad bay đi không cảng Turku (Phần Lan), Königsberg (Đông Phổ), Danzig (Ba Lan), Rostock (Đức) và một số mục tiêu sâu trong nội địa Đức và Ba Lan.[78] Quân cảng Hanko cũng trở thành căn cứ trung gian tiếp tế cho các tàu ngầm Liên Xô hoạt động trên biển Baltic. Các khẩu pháo 305 mm và 308 mm vẫn cùng với các khẩu đội pháo bờ biển Liên Xô đặt tại quần đảo Moonsund và Tallinn tạo thành một hàng rào hỏa lực, ngăn cản các tàu nổi của hải quân Đức vào vịnh Phần Lan.[77]

Sáng 26 tháng 7, tàu vận tải quân sự "Metalits" (Liên Xô) từ Tallinn đem theo nhiều vĩ khí, đạn dược, trang bị quân sự, lương thực thực phẩm và nước ngọt đã cập cảng Hanko. Việc dỡ hàng vừa thực hiện xong thì con tàu bị pháo binh Phần Lan từ Ekenäs bắn cháy. Tướng I. S. Kobanov lệnh cho các khẩu đội pháo tầm xa bắn 23 quả đạn 305 mm và 33 quả đạn 180 mm vào ga Ekenäs để yểm hộ cho việc sửa chữa tàu "Metalits". Ngày 29 tháng 7, khi sắp hoàn thành việc sửa chữa, tàu "Metalits" tiếp tục bị không quân Đức oanh tạc và bị cháy lần thứ hai. Việc sửa chữa bị gián đoạn và kéo dài đến tháng 10 năm 1941. Không chiếm được Hanko, lục quân Phần Lan phối hợp với hải quân Đức tiếp tục dùng pháo hạm và pháo bờ biển bắn phá Hanko giống như những gì quân Đức đang làm tại khu vực Leningrad cùng thời điểm đó. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8 năm 1941, không một lính phần Lan Hay lính Đức nào có mặt trên địa phận của căn cứ hải quân Liên Xô quá một ngày. Cùng với pháo binh bờ biển của Hạm đội Baltic đặt tại đảo Hiiumaa, pháo binh bờ biển của căn cứ hải quân Hanko vẫn tiếp tục khống chế cửa vịnh Phần Lan.[81]

Sự kiện căn cứ hải quân Tallinn thất thủ đã đặt cả căn cứ hải quân Hanko lẫn các vị trí phòng thủ đường biển trên quần đảo Moonsund của Hạm đội Baltic vào tình thế bị cô lập. Việc tiếp tế cho các căn cứ này trở nên khó khăn hơn do tàu ngầm Đức đã xâm nhập được vào vịnh Phần Lan. Không quân Đức Quốc xã chiếm ưu thế trên biển Baltic đã bắn phá các tàu biển chở hàng tiếp tế cho Hanko. Ngày 8 tháng 8, các tàu chiến Đức đã ngăn cản các tàu vận tải số 24 và "Khilda" khi chúng còn cách Hanko hơn 50 hải lý. Các pháo hạm Đức Quốc xã và pháo bờ biển của quân Phần Lan tăng cường bắn phá bán đảo. Tướng S. I. Kabanov ra lệnh cho quân đồn trú Liên Xô củng cố hầm hào và đào thêm nhiều tuyến chiến hào nhằm giảm bớt thương vong. Từ ngày 1 tháng 9, quân Đức từ đảo Kugholm bắt đầu tấn công vào đảo Elmholm, phân tán thêm lực lượng hải quân đánh bộ của Hạm đội Baltic. Tuy nhiên, căn cứ Hanko vẫn tiếp tế cho các máy bay ném bom tầm xa của Liên Xô tiếp tục oanh tạc vào sâu trong nội địa nước Đức và Ba Lan. Trong các ngày 8, 9, 12, 16, 19, 21, 31 tháng 8 và các ngày 2 và 4 tháng 9, đã có 85 lần chiếc máy bay ném bom TB-3 bay ngày và bay đêm đã "quá cảnh" căn cứ Hanko để bay đi ném bom Berlin, Danzig, Kohlberg, Stettin, Świnoujście, Noie-Brandenburg và Liepāja. Ngày 6 tháng 9, không quân Đức quốc xã huy động 28 máy bay Ju-87He-111 oanh tạc vào bán đảo, phá hủy 6 chiếc TB-3, 1 chiếc IL-2 và 1 chiếc MiG-3 đang đậu tại sân bay Hanko.[45]

Ngày 16 tháng 10 năm 1941, quân đội Đức Quốc xã chiếm trọn quần đảo Moonsund, cuộc phòng thủ của Lữ đoàn bộ binh 8 và các tiểu đoàn hải quân đánh bộ Liên Xô tại Hanko càng khó khăn hơn do các tuyến vận tải tiếp tế bằng đường biển của Hạm đội Baltic cho Hanko đều bị hải quân Đức khống chế. Từ ngày 20 tháng 10, Hạm đội Baltic sử dụng tàu ngầm và các thủy phi cơ sơ tán các lực lượng chiến đấu về Leningrad. Ngày 30 tháng 10 năm 1941, những người lính Liên Xô cuối cùng rút khỏi căn cứ Hanko.

Trận phòng thủ quần đảo Moonsund

Chiến dịch phòng thủ quần đảo Moonsund (tháng 8-tháng 10 năm 1941)

Quần đảo Moonsund gồm hơn 10 đảo nằm ở phía Tây Estonia, trong đó có hai đảo lớn nhất là đảo Hiiumaa (Dagö) nằm phía Nam cửa vịnh Phần Lan và đảo Saaremaa (Ösel) nằm chắn ngang vịnh Riga. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược trong tuyến phòng thủ trên biển của Hạm đội Baltic (Liên Xô). Đảo Hiiumaa cùng với căn cứ hải quân Hanko kiểm soát cửa vịnh Phần Lan trên con đường ra biển của Hạm đội Baltic. Đảo Saaremaa kiểm soát cửa ngõ ra vào vịnh Riga. Trên đảo Hiiumaa có quân cảng Kärdla, trên đảo Saaremaa có quân cảng Kuressaare đều là các căn cứ tàu ngầm và tàu nổi. Ngoài ra, trong quần đảo còn có đảo Kihnu nằm xa nhất về phía Tây, án ngữ cửa ngõ ra vào quân cảng Pärnu. Trên các đảo lớn như Hiiumaa và Saaremaa đều có các sân bay có thể sử dụng cho các loại máy bay ném bom cánh quạt hạng nặng.[82] Trong kế hoạch phòng thủ trên vùng biển Baltic, quần đảo Moonsund được giao cho Lữ đoàn bộ binh 3 gồm các trung đoàn bộ binh 46 và 49 và Đoàn biên phòng bờ biển Estonia bảo vệ. Lực lượng pháo binh Liên Xô có trung đoàn 79 gồm 6 đại đội pháo 75 mm và 3 đại đội pháo 122 mm cùng Tiểu đoàn súng máy độc lập 69. Pháo binh của Hạm đội Baltic trên đảo gồm 8 đại đội pháo bờ biển loại 152 mm và 130 mm. Lực lượng phòng không trên đảo có 5 khẩu đội cao xạ 76 mm. Chỉ huy toàn bộ các binh chủng trên quần đảo là thiếu tướng A. B. Eliseyev. Quân số Liên Xô bảo vệ quần đảo gồm 24.000 quân, trong đó, 16.000 quân đóng tại đảo Saaremaa, hơn 5.000 quân đóng tại đảo Hiiumaa và 3.000 quân đóng rải rác trên các đảo nhỏ. Các tuyến phòng thủ được hình thành quanh bờ hai hòn đảo chính gồm 3 lớp rào thép gai có tổng chiều dài 140 km được gài 23.500 quả mìn. Trên đảo có 260 hầm vũ khí, đạn dược, xăng dầu và quân nhu. Sân bay trên đảo Saaremaa có 12 máy bay I-15MiG-3. Tại các cảng Kärdla và Kuressaare có 17 tàu phóng ngư lôi, 6 tàu tuần duyên.[83]

Sau khi chiếm Tallinn, đầu tháng 9 năm 1941, các sư đoàn bộ binh 61, 217 (Đức) được tăng cường một số tiểu đoàn thiết giáp và pháo binh được Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc giao nhiệm vụ đánh chiếm quần đảo Moonsund. Ngoài hơn 50.000 bộ binh tăng cường, quân Đức huy động vào chiến dịch đổ bộ 350 tàu xuồng các loại, trong đó có 3 tàu khu trục và 6 tàu tuần duyên.[82]

Sáng ngày 8 tháng 9 năm 1941, Tiểu đoàn trinh sát 161 thuộc sư đoàn bộ binh 217 (Đức) xuất phát từ Haapsalu đổ bộ lên đảo Vormsi với sự yểm hộ của không quân và các pháo hạm. Tiểu đoàn bộ binh 36 (Liên Xô) với binh lực kém hơn về pháo binh và súng cối đã cố gắng chống cự trong ba ngày liên tục. Ngày 11 tháng 9, hai khẩu pháo chống tăng 45 mm cuối cùng bị quân Đức bắn hỏng, tiểu đoàn phải rút về đảo Hiiumaa. Ngày 12 tháng 9, Trung đoàn bộ binh 162 thuộc Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) đổ bộ lên đảo Muhu, một vị trí phòng thủ quan trọng sát phía Đông đảo Saaremaa. Tiểu đoàn 12 thuộc Trung đoàn bộ binh 46 chống trả được mấy ngày nhưng đến ngày 17 tháng 9 đã bị tổn thất nặng và phải rút về đảo Saaremaa. Tướng A. B. Eliseyev phải điều tiểu đoàn súng máy độc lập 69 ra bảo vệ tuyến Taaliku - Orissaare - bán đảo Kübassaare đối diện với đảo Muhu qua eo biển Väike. Việc để mất hai hòn đảo tiền tiêu quan trọng chỉ trong 10 ngày đã đẩy các đơn vị Liên Xô phòng thủ quần đảo Moosnund vào tình thế khó khăn.[84]

Trong khi chiến sự tại đảo Muhu còn đang tiếp diễn thì ngày 13 tháng 9, một tiểu đoàn dù Đức đã đổ bộ lên bán đảo Kübassaare ở phía Đông đảo Saaremaa. Đoàn biên phòng bờ biển Estonia đã tiêu diệt được tiểu đoàn dù này song không ngăn chặn được Trung đoàn bộ binh 176 thuộc Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) đổ bộ lên bán đảo trong ngày 14 tháng 9. Ngày 17 tháng 9, Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) đã tập kết trên đảo Muhu và bắt đầu tấn công đảo Saaremaa qua dải đất hẹp Kuivastu. Tiểu đoàn súng máy độc lập 69 chống cự được mấy ngày nhưng không trụ lại được. Đến ngày phải lùi về tuyến 23 tháng 9, tiểu đoàn phải rút về tuyến Ratla, tuyến phòng thủ chính do trung đoàn bộ binh 49 chiếm lĩnh.[82] Từ đảo Muhu, Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) liên tiếp đưa các trung đoàn 151 và 176 tiếp ứng cho Trung đoàn bộ binh 162 liên tục tấn công, đẩy lùi trung đoàn bộ binh 49 (Liên Xô) về tuyến Võhma - Kingisepp, cắt đôi đảo Saarema. Tướng A. B. Eliseyev cố gắng ổn định lại tuyến phòng thủ nhưng đều vô hiệu vì từ ngày 14 đến ngày 27 tháng 9, các tàu vận tải Liên Xô có tàu hộ tống đi kèm chở quân ra đảo đã bị hải quân Đức chặn đánh tại ngoài khơi bán đảo Syrve và vịnh Kyiguster. Ngày 3 tháng 10, quân Đức dồn ép tàn quân của Trung đoàn bộ binh 49 (Liên Xô) về bán đảo Syrve, buộc toán quân này phải lên tàu tại cảng Myntu rút về cảng Myanslya trên bờ Tây đảo Hiiumaa. Ngày 4 tháng 10, Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) chiếm trọn đảo Saaremaa.[85]

Những lực lượng còn lại của Lữ đoàn bộ binh 3 (Liên Xô) chỉ còn lại Trung đoàn bộ binh 46 đang chống giữ đảo Hiiumaa lâm vào tình thế bị bao vây bốn phía. Từ hướng Đông, Sư đoàn bộ binh 271 (Đức) bắt đầu đổ bộ từ đảo Vormsi sang, từ phía Nam, Sư đoàn bộ binh 61 cũng bắt đầu đổ bộ từ đảo Saaremaa lên. Bờ phía Bắc và phía Tây hòn đảo bị các pháo hạm Đức khống chế. Cuộc chiến ác liệt tại ngoài khơi pháo đài Kronstadt và căn cứ hải quân Hanko cũng như cuộc rút quân khỏi Tallinn đã thu hút phần lớn các hạm tàu của Hạm đội Baltic (Liên Xô). Ngày 5 tháng 10, tàu ngầm I-225 (Liên Xô) đánh hỏng một chiến hạm Đức ở ngoài khơi vịnh Salmy, phía Đông bán đảo Syrve. Tuy nhiên, chiến thắng này không làm giảm được sức ép của quân đội Đức Quốc xã lên đảo Hiiumaa.[86]

Các trận đánh phòng thủ trên đảo Hiiumaa kéo dài suốt một tuần. Tướng A. B. Eliseyev yêu cầu Trung đoàn 46 cố giữ tuyến phòng thủ phía Đông hòn đảo từ Kärdla đến phía Bắc Khelterma chống lại Sư đoàn bộ binh 217 (Đức). Số quân còn lại của Trung đoàn 49 từ đảo Saaremaa rút về giữ tuyến Myanslya - Kyaika chống lại Sư đoàn bộ binh 61 (Đức). Tuy nhiên, đối với hai sư đoàn bộ binh Đức được các pháo hạm và không quân yểm hộ thì việc giữ vững các tuyến chiến đấu trong một tuần đã là quá sức đối với hai trung đoàn bộ binh Liên Xô. Ngày 20 tháng 10, quân Đức dồn tàn quân của Lữ đoàn bộ binh 3 (Liên Xô)về mỏm đất Takhkuna, phía Bắc đảo Hiiumaa. Số quân Liên Xô còn lại đã rút ra tàu vận tải dưới sự yểm hộ của các pháo hạm của Hạm đội Baltic và được đưa về Leningrad. Ngày 22 tháng 10 năm 1941, quân Đức hoàn thành chiến dịch đánh chiếm quần đảo Moonsund.[85]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Baltic_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://data.lnb.lv/nba01/Tevija/1941/Tevija1941-05... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ed... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/achkasov_pavlovich/04.htm...